Quỹ phát triển nhà ở
Thứ ba - 15/09/2015 03:29
Các hoạt động sử dụng vốn của Quỹ phát triển nhà ở
I. Đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước
1. Đối tượng đầu tư
Các dự án xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh do Trung tâm Quản lý Nhà và Chung cư (thuộc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận) làm chủ đầu tư theo các chương trình, chiến lược phát triển nhà ở đã được UBND tỉnh phê duyệt.
2. Điều kiện đầu tư
a) Dự án đầu tư phải nằm trong các chương trình, chiến lược phát triển nhà ở đã được UBND tỉnh phê duyệt.
b) Dự án có quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật.
c) Dự án được UBND tỉnh quyết định sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguồn vốn của Quỹ phát triển nhà ở để đầu tư.
3. Sử dụng vốn đầu tư
Căn cứ quyết định đầu tư, chủ trương của UBND tỉnh và cơ cấu vốn đầu tư dự án nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn thu từ việc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định.
4. Thu hồi vốn đã đầu tư dự án
a) Trung tâm Quản lý nhà và Chung cư có trách nhiệm chuyển trả trực tiếp vào Quỹ phát triển nhà ở nguồn kinh phí đã đầu tư vào dự án nhà ở thuộc sở hữu nhà nước từ các nguồn vốn sau đây:
- Toàn bộ tiền thu từ việc bán, cho thuê mua tài sản của dự án hình thành sau đầu tư;
- Trong trường hợp đang cho thuê thì nộp số tiền 60% phần khấu hao cơ bản tài sản của dự án hình thành sau đầu tư phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành.
b) Nguồn vốn thu hồi nêu trên được Quỹ phát triển nhà ở tiếp tục quản lý và sử dụng để tái đầu tư vào các dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định.
II. Cho vay đầu tư xây dựng nhà ở xã hội do các thành phần kinh tế làm chủ đầu tư
1. Đối tượng cho vay
Là các doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền giao thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, có đầy đủ thủ tục đầu tư, có phương án tiêu thụ, giá cả và phương án hoàn trả nợ vay được UBND tỉnh phê duyệt.
2. Điều kiện cho vay
Đảm bảo các điều kiện sau đây:
- Dự án phải có trong kế hoạch theo các chương trình, chiến lược phát triển nhà ở được UBND tỉnh phê duyệt.
- Dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật.
- Có cam kết mua bảo hiểm đối với tài sản hình thành từ vốn vay thuộc đối tượng mua bảo hiểm bắt buộc tại một công ty bảo hiểm được phép hoạt động tại Việt Nam.
- Chủ đầu tư là các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có chức năng kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo dự án; doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ có sử dụng lao động đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với người lao động của doanh nghiệp đó.
- Có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.
- Có dự án đầu tư khả thi và phương án bảo đảm trả được nợ vay được Quỹ thẩm định.
- Có tài sản đảm bảo nợ vay hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- Có quyết định của UBND tỉnh đồng ý sử dụng nguồn vốn Quỹ phát triển nhà ở để cho vay phù hợp với nguyên tắc quản lý Quỹ tại Quy chế này.
3. Thời hạn cho vay
Thời hạn cho vay được xác định theo khả năng thu hồi vốn phù hợp với nguồn vốn thực có của Quỹ phát triển nhà ở, điều kiện cụ thể của từng dự án vay vốn và khả năng trả nợ của người vay nhưng tối đa không quá 15 năm (kể cả thời gian ân hạn). Trường hợp đặc biệt vay trên 15 năm do UBND tỉnh quyết định.
4. Giới hạn cho vay
a) Giới hạn cho vay đối với một dự án không vượt quá 20% vốn Quỹ phát triển nhà ở tại thời điểm quyết định cho vay và không vượt quá 80% tổng vốn đầu tư của dự án.
b) Tổng mức dư nợ cho vay đối với một khách hàng của Quỹ không được vượt quá 25% vốn Quỹ phát triển nhà ở.
5. Lãi suất cho vay
Lãi suất cho vay được áp dụng theo mức lãi suất cho vay từ nguồn vốn Quỹ phát triển nhà ở do UBND tỉnh phê duyệt cho từng thời kỳ.
6. Thẩm quyền quyết định cho vay
Do UBND tỉnh xem xét, quyết định theo đề nghị của Hội đồng quản lý Quỹ.
7. Bảo đảm tiền vay
a) Căn cứ vào đặc điểm của từng dự án đầu tư, Quỹ lựa chọn một, một số hoặc tất cả các biện pháp bảo đảm tiền vay sau đây:
- Cầm cố, thế chấp tài sản của chủ đầu tư;
- Cầm cố, thế chấp bằng tài sản hình thành từ nguồn vốn vay;
- Bảo lãnh của bên thứ ba;
- Các biện pháp bảo đảm tiền vay khác phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
b) Trong thời gian chưa trả hết nợ, chủ đầu tư không được chuyển nhượng, bán hoặc thế chấp, cầm cố tài sản đã dùng cho đảm bảo nợ vay tại Quỹ để vay vốn nơi khác.
8. Hợp vốn cho vay
a) Hợp vốn cho vay chỉ áp dụng đối với cho vay dự án và dự án đầu tư phải thuộc địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
b) Quỹ được làm đầu mối cho vay hợp vốn hoặc cùng hợp vốn với các Quỹ khác, tổ chức tín dụng và tổ chức khác để cho vay dự án. Việc cho vay hợp vốn phải lập thành hợp đồng và phải tuân theo các nội dung quy định nêu tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và Khoản 7 Điều 7 Quy định tạm thời Quy chế quản lý Quỹ phát triển nhà ở ban hành kèm theo Quyết định số 1871/QĐ-UBND ngày 31/8/2015 của UBND tỉnh Ninh Thuận.
c) Lãi suất cho vay hợp vốn do Quỹ và các tổ chức cho vay hợp vốn tự quyết định, được thể hiện trong hợp đồng và phải đảm bảo không thấp hơn mức lãi suất cho vay từ nguồn vốn Quỹ phát triển nhà ở được UBND tỉnh phê duyệt.
9. Hồ sơ vay vốn
a) Hồ sơ pháp lý liên quan đến chủ đầu tư dự án:
- Giấy phép thành lập tổ chức hoặc doanh nghiệp.
- Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư.
- Giấy chứng nhận đăng ký thuế.
- Điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức hoặc doanh nghiệp (nếu có).
- Quyết định bổ nhiệm Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (hoặc Giám đốc), Chủ đầu tư dự án và Kế toán trưởng. Bản sao giấy CMND của Tổng giám đốc (hoặc Giám đốc), Chủ đầu tư dự án và Kế toán trưởng.
- Biên bản góp vốn, danh sách thành viên sáng lập (công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty Hợp danh, Hợp tác xã).
- Trường hợp đơn vị hạch toán phụ thuộc được đơn vị cấp trên giao làm chủ đầu tư dự án (hoặc làm đại diện của chủ đầu tư) thì phải có văn bản ủy quyền của cấp trên có thẩm quyền.
- Các tài liệu liên quan khác do chủ đầu tư gởi kèm (nếu có).
b) Hồ sơ kinh tế:
- Báo cáo thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật trong 2 năm gần nhất (đối với chủ đầu tư đã hoạt động sản xuất kinh doanh).
- Hồ sơ liên quan đến việc góp vốn điều lệ đảm bảo tính khả thi (đối với chủ đầu tư là đơn vị mới thành lập).
- Báo cáo tình hình quan hệ tín dụng với Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Ninh Thuận và các tổ chức tín dụng khác (nếu có) của chủ đầu tư.
c) Hồ sơ vay vốn:
- Giấy đề nghị vay vốn (theo mẫu của Quỹ).
- Hồ sơ dự án đầu tư theo quy định của Nhà nước.
- Các giấy tờ liên quan đến dự án đầu tư theo quy định.
- Các giấy tờ có liên quan đến tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.
- Các giấy tờ khác có liên quan.
10. Thủ tục, quy trình thẩm định xét duyệt, giải ngân cho vay, thu hồi nợ vay và một số nội dung khác về cho vay được căn cứ các Quy chế, Quy trình cho vay từ nguồn vốn Quỹ Đầu tư phát triển đã được Hội đồng quản lý hoặc Giám đốc Quỹ phê duyệt để làm cơ sở thực hiện.
III. Cho vay cải thiện nhà ở
1. Đối tượng cho vay
Các đối tượng được vay vốn với lãi suất ưu đãi để cải thiện nhà ở (cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hoặc xây dựng mới căn nhà) là các đối tượng chính sách, cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh và các đối tượng khác theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
2. Điều kiện cho vay
a) Là những hộ gia đình thực sự gặp khó khăn về chỗ ở; có mức thu nhập thấp không có khả năng tự cải thiện chỗ ở; có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Ninh Thuận; có thời gian công tác tại cơ quan, đơn vị từ 03 năm liên tục trở lên (thời gian được tính kể từ ngày có quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động và được tính bao gồm cả thời gian trước đó làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp khác chuyển sang); có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự; có khả năng chi trả 30% giá trị dự toán cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hoặc xây dựng mới căn nhà; có phương án trả nợ phù hợp với thời gian cam kết trả nợ; đã có giấy phép xây dựng hoặc giấy phép sửa chữa nhà ở của người vay vốn được cơ quan có thẩm quyền cấp và thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được Quỹ cho vay để cải thiện nhà ở:
b) Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và bản thân cũng như vợ/chồng người vay chưa từng được Nhà nước giải quyết chính sách về nhà ở dưới mọi hình thức.
c) Có nhà ở của mình nhưng diện tích bình quân trong hộ gia đình dưới 5m2 sàn/người và không có điều kiện cải tạo, mở rộng diện tích nhà đang ở.
d) Có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng là nhà ở tạm bợ, hư hỏng hoặc dột nát và không đủ điều kiện để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hoặc xây dựng mới nhà đang ở.
e) Có quyết định của UBND tỉnh đồng ý sử dụng nguồn vốn Quỹ phát triển nhà ở để cho vay phù hợp với nguyên tắc quản lý Quỹ tại quy định tạm thời Quy chế quản lý Quỹ phát triển nhà ở do UBND tỉnh ban hành.
3. Thời hạn cho vay
Thời hạn cho vay do UBND tỉnh quyết định phù hợp với khả năng nguồn vốn thực có của Quỹ phát triển nhà ở và khả năng trả nợ của người vay nhưng tối đa không quá 15 năm đối với các hộ gia đình vay vốn xây dựng mới nhà ở và không quá 05 năm đối với các hộ gia đình vay vốn để sửa chữa, chỉnh trang, nâng cấp nhà ở hiện có.
4. Giới hạn cho vay
Giới hạn cho vay đối với một khách hàng do Quỹ và người vay tự thoả thuận nhưng không vượt quá 70% giá trị cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hoặc xây dựng mới căn nhà theo đơn giá xây dựng mới biệt thự, nhà ở, nhà kính và đơn giá cấu kiện tổng hợp để xác định giá trị tài sản là công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh và không vượt quá mức quy định của UBND tỉnh.
5. Lãi suất cho vay
Lãi suất cho vay được áp dụng theo mức lãi suất cho vay từ nguồn vốn Quỹ phát triển nhà ở do UBND tỉnh phê duyệt cho từng thời kỳ.
6. Thẩm quyền quyết định cho vay
Do UBND tỉnh xem xét, quyết định theo đề nghị của Hội đồng quản lý Quỹ.
7. Bảo đảm tiền vay
a) Căn cứ vào đặc điểm của từng dự án đầu tư, Quỹ lựa chọn một, một số hoặc tất cả các biện pháp bảo đảm tiền vay sau đây:
- Cầm cố, thế chấp tài sản của chủ đầu tư;
- Cầm cố, thế chấp bằng tài sản hình thành từ nguồn vốn vay;
- Bảo lãnh của bên thứ ba;
- Các biện pháp bảo đảm tiền vay khác phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
b) Trong thời gian chưa trả hết nợ, chủ đầu tư không được chuyển nhượng, bán hoặc thế chấp, cầm cố tài sản đã dùng cho đảm bảo nợ vay tại Quỹ để vay vốn nơi khác.
8. Hồ sơ vay vốn
- Giấy đề nghị vay tiền và phương án trả nợ vay có xác nhận của cơ quan đang công tác hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú (đối với các trường hợp khác).
- Bản sao hộ khẩu thường trú tại tỉnh Ninh Thuận, chứng minh nhân dân của người vay và người hôn phối (nếu có). Giấy xác nhận của UBND cấp phường, xã về thực trạng nhà ở của các đối tượng chính sách; cán bộ, công chức, viên chức; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Trường hợp các hộ vay vốn cải thiện nhà ở thuộc đối tượng chính sách thì phải có giấy xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền: UBND cấp phường, xã; Sở (phòng) Lao động thương binh xã hội quản lý đối tượng chính sách đó.
- Giấy xác nhận của Thủ trưởng đơn vị công tác kèm bản sao có công chứng 01 trong các giấy tờ để chứng minh thời gian làm việc tại cơ quan Nhà nước tổng cộng từ 03 năm liên tục trở lên như: Quyết định tiếp nhận, các Hợp đồng lao động, Sổ bảo hiểm xã hội.
- Giấy xác nhận mức thu nhập hàng tháng của người vay và người đồng trả nợ.
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu độc thân) hoặc giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản sao y).
- Đối với các đối tượng khác được vay theo chỉ đạo của UBND tỉnh thì hồ sơ vay vốn nhất thiết phải kèm văn bản đồng ý của UBND tỉnh.
- Giấy phép xây dựng hoặc giấy phép sửa chữa nhà ở của người vay vốn được cơ quan có thẩm quyền cấp.
- Các giấy tờ có liên quan đến tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.